Nhu cầu việc làm của ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành hiện nay ra sao?

Trong nền kinh tế - xã hội hiện đại, kinh tế du lịch đang dần chiếm một tỷ trọng lớn trong nền kinh tế quốc dân. Thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 2714/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án “Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

- Mục tiêu tổng quát của Đề án là năm 2020: du lịch Việt Nam cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; thu hút được từ 10-10,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế (tăng trưởng hàng năm đạt 7,6%), đáp ứng được 48 triệu lượt khách nội địa (tăng trưởng đạt 5,3% hàng năm). Doanh thu từ du lịch đến năm 2020 sẽ tăng đến 18-19 tỷ USD, đóng góp 6,5 - 7% GDP, thu hút 42,5 tỷ USD vốn đầu tư, tăng phòng lưu trú lên đến 580.000 phòng; Tăng tổng số lao động trong ngành du lịch lên hơn 3 triệu lao động (trong đó có 870.000 lao động trực tiếp).

- Mục tiêu đến năm 2025: Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, phấn đấu thuộc nhóm ba quốc gia dẫn đầu về phát triển du lịch trong khu vực Đông Nam Á và 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, trong đó tất cả 14 tiêu chí năng lực cạnh tranh du lịch đều tăng, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững. Tổng thu từ khách du lịch: Đạt 1.700 - 1.800 nghìn tỷ đồng (tương đương 77 - 80 tỷ USD), tăng trưởng bình quân 13 - 14%/năm; đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 12 - 14%. Tạo ra khoảng 5,5 - 6 triệu việc làm, trong đó có khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 12 - 14%/năm. Về khách du lịch: Phấn đấu đón được ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 12 - 14%/năm và khách nội địa từ 6 - 7%/năm.

- Mục tiêu đến năm 2030: Du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững. Tổng thu từ khách du lịch: Đạt 3.100 - 3.200 nghìn tỷ đồng (tương đương 130 - 135 tỷ USD), tăng trưởng bình quân 11 - 12%/năm; đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 15 - 17%. Tạo ra khoảng 8,5 triệu việc làm, trong đó có khoảng 3 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 8 - 9%/năm. Về khách du lịch: Phấn đấu đón được ít nhất 50 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa; duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 8 - 10%/năm và khách nội địa từ 5 - 6%/năm.

Ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành trang bị cho người học những gì?

Ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành là ngành học đòi hỏi sự năng động tối đa, bao gồm quá trình quản lý và điều hành du lịch, chịu trách nhiệm phân công công việc cho các hướng dẫn viên du lịch, nhận thông tin để phối hợp với các bộ phận trong doanh nghiệp du lịch – lữ hành, giải quyết phát sinh cơ quan chức năng, thiết kế các chương trình du lịch, ... Đây được xem là ngành "công nghiệp không khói" giàu tiềm năng nhất của thế kỷ trong xu hướng toàn cầu hóa. Vì vậy, theo học ngành này sinh viên sẽ có được những kỹ năng và kiến thức như sau:

Về kiến thức: Ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, bạn sẽ nghiên cứu và học về những kiến thức quản trị của một doanh nghiệp lữ hành, địa lý du lịch, văn hóa, tâm lý và tập quán của du khách trong nước và quốc tế, các kỹ năng nghiệp vụ về hướng dẫn du lịch, thiết kế tour, quản lý và điều hành tour, thiết kế và quản trị sự kiện du lịch. Bên cạnh, những môn học chuyên ngành, sinh viên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành sẽ được cung cấp các kiến thức chuyên sâu về Văn hóa tổ chức, Kinh tế du lịch, Văn hóa du lịch, Marketing du lịch, Phong tục – tập quán – lễ hội – truyền thống, Du lịch tôn giáo – tín ngưỡng, Quản trị lữ hành, Địa lý du lịch, Quản trị sự kiện, Hướng dẫn du lịch, PR và truyền thông cho sự kiện,…

Về kỹ năng: Sinh viên theo học ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành còn được chú trọng phát triển các kỹ năng mềm như: kỹ năng giao tiếp và đàm phán, kỹ năng xử lý tình huống trên Tour, kỹ năng điều chỉnh cảm xúc bản thân, kỹ năng tự nghiên cứu chuyên sâu, …

Sinh viên tốt nghiệp ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành làm việc ở đâu?

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch), mỗi năm toàn ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành cần thêm gần 40.000 lao động. Tuy nhiên, lượng sinh viên chuyên ngành này ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ có hơn 12% có trình độ Cao đẳng, Đại học trở lên. Chính nhu cầu cao về nhân lực đã tạo ra cơ hội lựa chọn việc làm phong phú cho các cử nhân ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành với mức lương khởi điểm hấp dẫn, khoảng 8-10 triệu đồng/tháng cùng với chế độ ưu đãi tốt.  

Sinh viên tốt nghiệp ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành có thể tự tin làm việc tại các vị trí sau: Hướng dẫn viên du lịch hoặc chuyên viên phụ trách các bộ phận lưu trú, kinh doanh, marketing, chăm sóc khách hàng. tổ chức hội nghị - sự kiện, quản trị điều hành, thiết kế tour tại các công ty trong và ngoài nước, chuyên viên tại các Sở, Ban, Ngành về Du lịch, nghiên cứu viên, giảng dạy tại các cơ sở đào tạo về du lịch.

Một xu hướng chúng tôi quan tâm với những sinh viên học ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành là tự khởi nghiệp bằng kiến thức chuyên ngành học được. Sinh viên sau khi ra trường có khả năng tự mở công ty du lịch và lữ hành để phát triển theo hướng riêng của bản thân.